ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
Tên trường | ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI |
Tên tiếng Anh | Vietnam National University, Hanoi |
Ký hiệu - Mã trường | A |
Địa chỉ | Khu đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc, Thạch Thất, Hà Nội |
Điện thoại | (84.4) 37547670 |
media@vnu.edu.vn | |
Loại hình cơ sở đào tạo | Đại học |
Loại trường | Công lập |
Website | https://www.vnu.edu.vn/ |
Tỉnh, thành phố | Hà Nội |
Đại học Quốc gia Hà Nội (tên giao dịch bằng tiếng Anh: Vietnam National University, Hanoi; viết tắt là VNU) được thành lập theo Nghị định số 97/ CP ngày 10 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chính thức bước vào hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/1994.
Truyền thống của ĐHQGHN gắn với lịch sử hình thành và phát triển của những trường đại học tiêu biểu ở Việt Nam trong suốt bề dày của thế kỷ XX, bắt đầu từ Trường đại học Đông Dương (16/5/1906) có cơ sở tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Đây là trường đại học kiểu hiện đại đầu tiên ở Việt Nam (thời kỳ Pháp thuộc) được tổ chức theo mô hình trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ nhân dân đã thành lập Trường đại học Quốc gia Việt Nam trên cơ sở kế thừa Trường đại học Đông Dương và khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 15/11/1945. Trường đại học Quốc gia Việt Nam có cơ cấu tổ chức và chương trình đào tạo theo mô hình của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa xây dựng nền tảng của giáo dục cách mạng, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ khoa học phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Sau hoà bình lập lại, Nhà nước ta đã thành lập một số trường đại học ở miền Bắc, như Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1956) và Trường đại học Sư phạm Hà Nội (trong đó có khoa Ngoại ngữ, sau này phát triển thành Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội vào năm 1967). Trường đại học Tổng hợp Hà Nội là một trường đại học khoa học cơ bản đa ngành, trực tiếp kế thừa truyền thống của Trường Đại học Đông Dương và Trường Đại học Quốc gia Việt Nam. Xét về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất – kỹ thuật và chương trình đào tạo, ĐHQGHN ngày nay là sự nối tiếp truyền thống và uy tín của các trường đại học lớn ở Việt Nam từ Đại học Đông Dương, Đại học Quốc gia Việt Nam trước đây đến Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội sau này.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN, một mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực có quy mô lớn, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài khoa học, công nghệ cho đất nước, đã được khẳng định. Ngày 1/2/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2001/NĐ-CP về Đại học Quốc gia. Đây là mốc lịch sử đánh dấu giai đoạn phát triển mới về quy mô và chất lượng của ĐHQGHN.
Ngày 12/2/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia, khẳng định và tăng cường hơn nữa quyền tự chủ của các Đại học Quốc gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là đào tạo, nghiên cứu khoa học – công nghệ, tổ chức cán bộ, kế hoạch – tài chính và hợp tác quốc tế.
Năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục Đại học. Luật Giáo dục đại học gồm 12 chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Luật Giáo dục đại học quy định 4 vấn đề mới cơ bản gồm: phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo, trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật.
Địa vị pháp lý của Đại học quốc gia được quy định tại điều 8 của Luật Giáo dục đại học như sau:
– Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.
– Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.
Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.
– Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
– Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia.
Để gia tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục đại học thành viên, trên cơ sở các quy định tại Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ về Đại học quốc gia, ngày 26/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên. Bản Quy chế mới này thay thế cho Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia ban hành theo Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg ngày 12/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung quy định trong bản Quy chế số26/2014/QĐ-TTg thể hiện rõ quan điểm đổi mới về Đại học quốc gia của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong quá trình phát triển bền vững và hội nhập