Thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ sôi động trong không khí đua tranh điểm bán, mở chuỗi cửa hàng thì năm 2017, các doanh nghiệp còn bị áp lực bởi sự phát triển của ngành kinh doanh online. Từ đó đã đặt ra vô vàn thách thức cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng phục vụ và thay đổi các thức kinh doanh.
1. Tiềm năng thị trường bán lẻ vẫn còn mở rộng
Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay đang bị xâu xé bởi những đại gia kinh doanh ngoại và các ông trùm bán lẻ trong nước. Những tưởng cuộc chiến bán lẻ sẽ khiến thị trường bán lẻ Việt trở nên cằn cỗi và mất đi sức hút, nhưng không phải vậy, chính nó mang lại nhiều thay đổi mang tính đột phá và chắn chắn, Việt Nam vẫn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng trong tương lai.
Việt Nam là một quốc gia có dân số đông, hơn 90 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỉ lệ cao. Đây là lợi thế đầu tiên để ngành bán lẻ thuận lợi phát triển, bởi khả năng thay đổi thói quen tiêu dùng dễ hình thành ở bộ phận chiếm số đông này. Kéo theo việc thay đổi thói quen tiêu dùng, người trẻ cũng sẽ có thời gian gắn bó với thương hiệu mới lâu hơn, do đó, các chuỗi cửa hàng bán lẻ sẽ nhắm vào đối tượng khách hàng này đầu tiên.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, ngành bán lẻ tại Việt Nam còn phát triển manh mún ở quy mô nhỏ lẻ, người tiêu dùng còn chưa quen với việc mua sắm trong các chuỗi bán lẻ có thương hiệu, tuy nhiên, với các thương hiệu quốc tế, đó là tín hiệu của tiềm năng phát triển thị trường trong tương lai và là một xu hướng có thể đoán trước được.
Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt còn thể hiện ở việc chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh bán lẻ. Đương nhiên, các doanh nghiệp Việt chưa thể là đối thủ của các đại gia bán lẻ nước ngoài, còn các ông lớn có nhãn hiệu toàn cầu đáng kể nhất tại Việt Nam mới chỉ tồn tại Metro và BigC. Thực sự đây sẽ là một mảnh đất nhiều tiềm năng và sức cạnh tranh chưa cao.
2. Thách thức trong ngành bán lẻ cũng rất nhiều
Tiềm năng là vậy, nhưng vô hình chung, có lẽ, tiềm năng đó sẽ thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, khiến các thương hiệu Việt sẽ gặp phải không ít những thách thức.
Gần đây nhất là cuộc chuyển nhượng Metro vào tay Berli Jucker (BJC), điều này gây nên sự lo lắng về cuộc đổ bộ của hàng Thái vào thị trường Việt, gây nên tình trạng thương hiệu Việt sẽ bị lép vế trước các chuỗi bán lẻ nước ngoài. Trước đó, hàng loạt thương hiệu ngoại có tiếng cũng tiến vào thị trường Việt như Robinsons (Thái Lan), AEON (Nhật Bản)…
Các tập đoàn bán lẻ cũng triển khai các hoạt động liên doanh như Saigon Co.opMart và FairPrice (Singapore), sự xuất hiện của các chuỗi siêu thị nội như Ocean Mart, Hiway…
Trong năm 2014, các kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ chiếm 15% trong tổng hệ thống bán lẻ trên cả nước trong khi tỉ lệ này ở các nước trong khu vực con số này lên đến 50%. Trong tương lai gần phân khúc này đang tăng lên khi thu nhập của giới trung lưu tăng dần, và các doanh nghiệp nước ngoài đã nhắm đến phân khúc thị trường này. Theo số liệu của công ty khảo sát, đánh giá thị trường Niesel, tại Tp.HCM có trên 500 cửa hàng tiện lợi trong đó 60% do các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Các doanh nghiệp này có nhiều lợi thế về vốn, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng bán hàng, tuyên truyền quảng cáo, niêm yết và bán theo giá, cân đo đong đếm, an toàn vệ sinh…
Thách thức đối với doanh nghiệp Việt là nhiều vô kể, cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trở nên gay gắt. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để sàng lọc loại bỏ các doanh nghiệp có tư duy “ăn xổi” và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ điều này. Để có thể trụ vững và phát triển, các doanh nghiệp cần phải có sự nghiên cứu xu hướng tiêu dùng trong nước và trên thế giới nhằm định hướng phát triển cho ngành bán lẻ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Nguồn: Thị trường bán lẻ Việt Nam cẩn phải thay đổi để vượt qua thách thức