Xu hướng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2017

Nhận định về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Alex Crane – Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng hoạt động M&A giữa khối ngoại và các doanh nghiệp nội địa sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của thị trường bán lẻ trong năm 2017.

Xu hướng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2017

– Ông có nhận định gì về sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2016?

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng tốt trong phạm vi ba quý đầu năm 2016. Theo số liệu nghiên cứu từ Cushman & Wakefield, doanh số bán lẻ hiện tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tôi dự đoán thì sự tăng trưởng này sẽ còn duy trì cho đến năm 2030.

Xét về tăng trưởng theo năm, Việt Nam xếp hạng thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia. Tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế vĩ mô, nhu cầu tiêu dùng tăng giúp củng cố lòng tin của các doanh nghiệp bán lẻ vào thị trường. Năm nay, chung ta chứng kiến một số nhà cung cấp mới đã gia nhập thị trường như Sài Gòn Center tại Tp.HCM và MIPEC tại Hà Nội. Cả hai thành phố này đang thực sự hoạt động tốt với tỷ lệ lấp đầy đạt 90%. Điều này thể hiện sự ổn định thị trường và là tín hiệu tốt cho các nhà phát triển cũng như các đơn vị thuê địa điểm bán lẻ.

Xu hướng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2017Theo ông Alex Crane thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng tốt trong phạm vi ba quý đầu năm 2016

– Theo ông, sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ quốc tế lớn thời gian qua sẽ có tác động như thế nào đến thị trường mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam?

Càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ thâm nhập thị trường Việt Nam sẽ khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Điều này tổng thể có lợi với người tiêu dùng. Sự cạnh tranh giữa các nhóm sẽ góp phần đẩy giá thuê lên cao. Hiện giá thuê ở những khu vực trung tâm kinh doanh đã tăng hơn 30%. Đây cũng là tin vui đối với các nhà phát triển bất động sản. Việc cạnh tranh tuy mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng và các nhà phát triển nhưng cũng gây ra khó khăn không nhỏ cho các nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường. Việc tìm kiếm mặt bằng thuê tại khu trung tâm sẽ khó khăn hơn và chi phí thuê dự kiến sẽ cao hơn.

– Sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Vinmart, Circle K thời gian vừa qua đã tác động như thế nào đến thị trường mặt bằng bán lẻ chung?

Tôi nghĩ rằng có nhiều điểm tích cực xoay quanh cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Ví dụ như trung tâm mua sắm Vincom, đây là đơn vị có tầm ảnh hưởng rất tích cực bởi vì đã mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng thực phẩm tốt, được lựa chọn kỹ càng với cơ sở hiện đại. Sẽ có nhiều cạnh tranh hơn nữa giữa các nhóm siêu thị do càng ngày càng có nhiều đơn vị gia nhập thị trường. Hơn thế nữa, các cơ sở địa phương dần bắt đầu việc mở rộng dịch vụ và chất lượng. Có thể sẽ có sự cạnh tranh về giá bán giữa các siêu thị, điều này dẫn đến những tác động vào giá thuê mặt bằng của các siêu thị hiện nay. Những đơn vị lớn có thể dễ dàng điều chỉnh giá thuê, ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp mới muốn chen chân vào. Tuy nhiên điều này cũng không đáng ngại vì về mặt lý thuyết, càng nhiều đơn vị gia nhập thị trường thì tình trạng lợi nhuận biên sẽ bắt đầu giảm xuống, giá thuê sẽ giảm.

– Ông có nhận định gì về xu hướng hoạt động của thị trường bán lẻ trong năm 2017 tới đây?

Tôi nghĩ rằng việc mua bán và sáp nhập sẽ trở thành xu hướng trong các năm tiếp theo. Theo tôi thị trường Việt Nam đang cần sự đầu tư chuyên môn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Khối ngoại vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc mang đến những sản phẩm bán lẻ chất lượng cũng như đưa các nhà bán lẻ chất lượng vào thị trường Việt Nam. Hiện nay, khá nhiều các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa tham gia thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Nguyên nhân chính là do giá thuê mặt bằng cao.Yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập vào thị trường của các trung tâm mua sắm lớn, nhà phát triển bất động sản hay các nhà vận hành. Vì thế, phương án tốt nhất là thâm nhập thị trường thông qua việc mua bán và sáp nhập. Thông qua việc liên doanh với 1 doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp ngoại sẽ tránh được những hạn chế về pháp lý, quỹ đất và biến động trong giá thuê. Tôi hy vọng rằng trong vòng 12 tháng tiếp theo chúng ta sẽ thấy một hoặc hai sự hợp tác đối tác lớn được công bố. Chúng ta đã có một số liên doanh rất quan trọng trong quá khứ như Keppel Land, Saigon Center. Vì vậy không có lý gì mà thị trường không tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động M&A.

Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng hấp dẫn

Theo nhận định hôm 27/2 của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh), các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến khu vực bán lẻ của Việt Nam.

Xu hướng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2017

Khu vực bán lẻ của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2012-2016. Đây là tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng.

Quyết định mở cửa hàng của hãng Hennes & Mauritz (H&M) là một ví dụ.

EIU cũng dự báo các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất-kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cách đây ít ngày, hãng H&M của Thụy Điển đã khẳng định thông tin rằng họ sẽ mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong hàng loạt những động thái của giới đầu tư nước ngoài tìm cách đổ vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 7/2016, hãng Zara của Tây Ban Nha đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong khi hãng Gap của Mỹ và Mango của Tây Ban Nha cũng có mặt trên thị trường.

Cửa hàng đầu tiên của H&M sẽ tọa lạc ở Hà Nội trên một diện tích rộng khoảng 2.000m2. Hiện hãng này đang tiến hành tuyển dụng nhân sự, dự kiến lên đến 100 người.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm rõ rệt đối với những đối tác nội địa. Tập đoàn kinh doanh siêu thị Aeon của Nhật Bản gần đây đã quyết định trở thành cổ đông chiến lược của chuỗi siêu thị Fivimart và chuỗi siêu thị Citimart. Hai chuỗi siêu thị này hiện đang vận hàng nhiều cửa hàng, siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thủ đô Hà Nội.

Vừa qua, tập đoàn Takashimaya của Nhật Bản đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên ở TPHCM trong khi Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc lên kế hoạch mở 60 siêu thị mới tại Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Mức độ quan tâm ngày càng tăng của giới đầu tư nước ngoài đối với thị trường bán lẻ Việt Nam không phải là điều bất ngờ. Khu vực bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2012-2016. Đây là tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng.

Theo dự báo, mức chi của người tiêu dùng có thể sẽ tăng mạnh trong vòng 5 năm tới (2017-2021) nhờ vào những điều kiện thuận lợi về dân số và nhân khẩu học. Dân số Việt Nam hiện có khoảng 94 triệu người và 1/3 trong số đó ở độ tuổi dưới 35.

Bên cạnh đó, triển vọng tích cực về thu nhập của người dân cũng là một yếu tố quan trọng, hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài.

EIU dự báo mức chi tiêu tính theo đầu người sẽ tăng từ 1.450 USD năm 2016 lên 1.840 USD vào năm 2021. Tuy nhiên, EIU cho rằng thu nhập của người lao động vẫn chưa đồng đều, còn tập trung nhiều vào khu vực thành thị.

Ví dụ, thu nhập hàng tháng của người lao động tại TPHCM luôn cao hơn 25% so với mức bình quân của cả nước. Vì vậy, cơ hội để phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ cũng có thể bị giới hạn ở khu vực thành thị.

Theo TTXVN/Vietnam+

Bài viết liên quan